[Audio Wiki] Chọn mua chân loa “chuẩn không cần chỉnh”

Chân loa phải vừa giúp bộ dàn phát huy hết khả năng, vừa phải thỏa mãn yếu tố thẩm mỹ, sang trọng, và quan trọng không kém là chi phí không bao giờ quá cao.

Ở sự kiện Computer Audio và Phụ kiện 2015 sắp diễn ra trong TP. HCM, chân loa sẽ không thể thiếu trong các màn trình diễn loa nhỏ. Thực tế, xu hướng của nhiều người chơi ở Việt Nam là tìm tới các loa bookshelf chất lượng cao để phù hợp hơn với không gian phòng nghe không rộng rãi. Ở trong bài viết lần này, Stereo muốn chia sẻ với các bạn một số yếu tố quan trọng khi mua chân loa, ngoại trừ tính thẩm mỹ do  gu của mỗi người thường khác nhau.

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-1-660x371
Khi có một cặp chân loa đẹp, ai có thể nói loa bookshelf không đĩnh đạc, sang trọng?

Đánh giá trọng lượng

Yếu tố cơ bản nhất khi mua chân loa là khả năng chịu lực phải hài hòa với thiết kế của loa. Việc mua một chân loa lớn để phù hợp nhiều loa đôi khi ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ. Chính bởi vậy mà nhiều hãng sản xuất loa bookshelf cũng có tùy chọn bán kèm chân đế.

Thực tế, mức đánh giá trọng lượng an toàn cũng ảnh hưởng đánh kể tới âm thanh, bởi sẽ giúp loa hạn chế rung lắc khi đang chơi nhạc. Âm hình có thể không chính xác với các chân loa yếu.

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-1-660x424
Nhiều chân loa có mặt đỡ với các chân đồng chống rung hiệu quả nhưng dễ gây “sát thương” tới loa

Phần đỡ loa

Phổ biến nhất hiện nay vẫn là chân cao su đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “ngon-bổ-rẻ” nhờ độ ma sát cao và không  gây tổn hại đến phần vỏ loa. Còn chân dạng đinh tán  được cho là có khả năng hạn chế rung lắc tốt hơn, song đôi khi chính vì thiết kế quá sắc lại gây tổn thương cho loa. Lựa chọn được cho là trung hòa giữa 2 thiết kế trên là chân loa có phần đỡ bằng cao su, và chân đế phía dưới được lắp chống rung.

Kích thước mặt phẳng đặt loa cũng nên được cân đối. Đa phần loa đều có chiều dài lớn hơn chiều rộng, vậy nên sử dụng mặt hình chữ nhật sẽ hợp lý hơn loại hình vuông. Trước khi mua, nên đo lại kích thước của loa để tránh nhầm lẫn (dù đổi trả chân loa phần lớn đều không khó).

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-5
Kệ thép đúc Solid Steel có trọng lượng và chân chống rung khá tốt

Chất liệu

Gỗ là chất liệu làm chân loa khá phổ biến hiện nay, bởi việc tận dụng gỗ công nghiệp hay gỗ ép có giá bán rẻ, và tạo hình chúng không quá khó khăn. Vấn đề của gỗ là cần bảo quản tốt, bởi độ bền không tốt, và sẽ bị ảnh hưởng tới mối mọt, hay độ ẩm cao.

Khi muốn đầu tư một bộ chân loa để sử dụng lâu dài, chất liệu thép sẽ được ngó tới. Nhiều người tin rằng chân loa từ thép cao cấp được chế tác tinh xảo sẽ giúp hạn chế rung lắc xấu, ổn định chất lượng âm thanh tốt hơn.

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-2-660x405
Chân loa có khả năng thay đổi chiều cao có giá không hề rẻ, song lại hiệu quả nếu sở hữu nhiều cặp loa cùng lúc

Chiều cao

Điểm ngọt để nghe loa luôn rất quan trọng. Những người chơi có kinh nghiệm luôn khuyên đặt loa sao cho độ cao của tweeter (loa cao tần) ngang với tai người nghe. Điều này do âm cao luôn dễ bị suy hao nhất khi truyền qua không khí.

Đa phần chân loa hiện nay đều có độ cao khoảng 26inch. Và người mua thường khắc phục bằng cách thay ghế ngồi sao cho phù hợp. Song một số chân loa cao cấp cũng có khả năng điều chỉnh độ cao mà vẫn rất chắc chắn.

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-4-660x412
Cặp chân loa này sẽ giúp dàn nghe gọn gàng hơn

Khả năng giấu cáp

Thực chất điều này không quá quan trọng với mọi người. Nhưng một số người kỹ tính luôn muốn bộ dàn nghe nhạc của mình gọn gàng thì hãy sử dụng chân loa có thể giấu cáp, đặc biệt là các bộ dàn đa kênh, sử dụng nhiều hơn 5 loa.

chon-mua-chan-loa-tot-nhat-3
Chân loa là phụ kiện hữu ích cả về âm thanh lẫn trang trí

Chân trụ

Chân trụ càng nặng và to bè thì chân loa càng vững trãi. Một số chân loa có phần đế bên dưới nặng khoảng 15kg kết hợp với bộ đầu chống rung kim loại hoặc đế cao su. Thậm chí, có một số người áp dụng chiến thuật chèn thêm… cát vào chân đế để tăng trọng lượng.

Nguồn tham khảo: Stereo.vn – http://stereo.vn/theo-xu-huong/stereo-wiki-chon-mua-chan-loa-chuan-khong-can-chinh.html

Leave a Reply