Site icon #PHC//Audio

[Audio Wiki] Đánh giá một số loại đèn điện tử dùng trong các Headphone Amplifier

Nhiều bạn thích amplifier đèn, DAC đèn, rồi DAC/Amp có cái đèn, và mình cũng vậy :D…rõ ràng là về mặt mỹ thuật, bóng đèn chân không thường sẽ tạo được cảm giác dễ chịu và thích mắt cho người thưởng lãm. Hiện nay, điểm mặt trên thị trường một số loại headphone amplifier sử dụng đèn được đánh giá cao ở nhiều phân khúc giá. Ví dụ DarkVoice 336se, Crack của BottleHead, series LittleDot Mk1, MK2 và MK3, song song với đó là các thiết bị sử dụng thiết kế lai giữa bán dẫn và đèn như sản phẩm mới nhất mà mình vừa review là Schiit Vali 2, Lyr 2. Thú vị nhất thường thấy ở những loại amplifier này là khi bạn thay bóng khác cùng loại, khác nhà sản xuất thì chất lượng âm thanh sẽ thay đổi theo. Thường thì bóng cổ, sản xuất trong thời kỳ “Golden Age” của đèn điện tử sẽ có giá cao hơn do hiếm hơn, nhưng không phải lúc nào bóng cổ cũng hay đâu bạn ơi, bóng mới có những con rẻ rề nhưng chất lượng nghe không có thua gì so với bóng cổ cả. Đây cũng chính là động lực để mình viết bài này, mục đích là giới thiệu và đánh giá sơ bộ một số loại đèn công suất cũng như đèn tiền khuếch đại đang được sử dụng trên những tube headphone amplifier được ưa chuộng hiện nay. Bài viết này hoàn toàn dựa trên đánh giá và kinh nghiệm chủ quan của mình, mình không có cái quan niệm cứ bóng đắt là phải hay đâu và mình muốn chia sẻ kinh nghiệm này với mọi người

Đèn tiền khuếch đại ( preamplifier tube )

6SN7 : Darkvoice 336se, Wings Amplifier ( DIY in Vietnam ), Felkis Audio Elise

Những chiếc đèn 3 cực (triode) đầu tiên được thiết kế theo lối đốt trực tiếp (cathode và sợi đốt chung làm một), ví dụ bóng 01A, 71A, 26, Ba, Cd, Ed, chúng là những loại đèn này thường có hệ số khuếch đại thấp hoặc trung bình. Sau đó các nhà sản xuất tiếp tục ngiên cứu và cho ra đời loại đèn có cathode đốt gián tiếp tức là sợi đốt được bên trong một ống cathode hình trụ bên ngoài có phủ chất bari-stonti. Cathode được đốt nung nóng sẽ phát ra điện tử, bắn qua anode ( đọc thêm tại đây ), tạo thành dòng điện trong đèn. Để sợi đốt không chạm vào cathode, thời kỳ đầu, ở vài kiểu đèn, người ta bộc sợi đốt trong ống sứ, sau đó thay bằng một lớp ô-xít nhôm. Ưu điểm nổi bật của đèn đốt gián tiếp so với đèn đốt trực tiếp là có thể đốt tim AC, tiếng sẽ quyến rũ hơn ( thiên hạ đồn đốt tim AC nghe quyến rũ hơn là thế chứ mình thì thích đốt DC hơn vì kinh nghiệm là đốt AC bóng dễ tự kích và hay tự dao động tần số cao gây hú hí, nổ lốp đốp ), mặt khác khả năng phát xạ điện tử của loại đèn này rất lớn nên dễ dàng chế tạo những loại đèn có độ khuếch đại cao hơn.

6SN7 là một trong những loại đèn 3 cực kép đốt tim gián tiếp thời kỳ đầu, những chiếc 6SN7 đầu tiên được RCA chế tạo vào năm 1939 để phục vụ cho các thiết bị audio và chủ yếu là cho lĩnh vực quân sự. Nga phát triển dòng đèn 6H8C riêng của mình sau đó ít lâu, Trung Quốc cũng theo chân và cho ra đời con 6N8 sida. Bóng 6SN7 là bóng hay, tiếng rất đĩnh đạc, dày dặn vì cái đường đặc tuyến chạy rất tuyến tính. Thế con 6SN7 vào hay ?

Kinh nghiệm chọn bóng 6SN7 tốt: do nó là con 3 cực kép, mỗi nửa đèn sẽ khuếch đại cho từng kênh trái phải nên việc chúng có cân nhau hay không là điều quan trọng, vấn đề này yêu cầu người bán cung cấp số đo 2 nửa đèn. Vấn đề thứ 2 là microphonic, vấn đề này test khá dễ, bạn nhìn thấy 2 bản cực của đèn 6SN7 như sau đây chứ. Cắm nó vào amplifier, bật lên 5 phút, cắm tai nghe, vặn volume tầm 50%, lấy cây bút chì gõ nhẹ vào 2 bản cực và nghe xem có tiếng “boong boong” hay không. Thường thì 5692 không bị đâu vì nó cối lắm, 6H8C mới là con cần phải test thật kỹ.

6922/6DJ8/7308 : Vali 2, Lyr 2, Mjolnir 2

Bóng công suất ( power tube )

6AS7/ 6H13C/ 6080/ 5998 : Darkvoice 336se, Crack OTL, Felkis Elise

Đỉnh cao của cái dòng bóng này là Western Electric 421A, nhưng thôi bỏ nó qua một bên đi vì 500$/cặp chơi phí tiền lắm, trừ khi bạn là người mê sưu tầm đèn cổ thì mua. Âm thì hay nhưng không đáng đến mức đó đâu bạn.

6H6P : bóng này được sử dụng khá nhiều trong các amplifier bán đầy trên Ebay và các sản phẩm amplifier của Little Dot.

6H6P tương đương với 5687. Trong vài trường hợp âm thanh có thể còn nhỉnh hơn con 6H30 thần thánh, nhưng tội cái nó không được bền bỉ cho lắm và kiếm con có 2 nửa tridode cân nhau chua như giấm. Nhưng được cái còn rất rẻ và rất nhiều. Sở dĩ nó vẫn chưa ngóc đầu lên được là vì 5687 của Âu Mỹ còn quá rẻ nên 6H6P khó có cơ hội ngóc đầu lên, đã vậy, các tay buôn thì truyền nhau là bóng Mỹ nghe hay hơn bóng Nga

6H6P không có bóng giả, chỉ có Trung Quốc làm bóng theo thiết kế của 6H6P thôi nhưng chất lượng thì cà chua lắm, nghe khô khốc và um um vì thiếu nickel. 6H6P hay nhất nên tìm 6H6P-EV cho Reflector sản xuất, tiếng vô cùng xuất sắc.

6C45/ 6S45 : Woo WA7

Đây là một trong những bóng mà mình yêu thích nhất. Người ta gọi nó là siêu đèn vì nó làm được rất nhiều thứ, từ tiền khuếch đại, làm bóng lái ( món này là sở trường của 6C45 vì khả năng đẩy cathode current đến 52mA nên mấy tay cứng cựa rất thích dùng 6C45 trong mạch driver cho các bóng to như 845, 211 )và làm luôn cả bóng công suất. Nó nhỏ xíu như mấy bóng 6922 mà sức khỏe thì dã man cùng tận khi mà nó có thể cấp công suất tới 1.5W, đánh luôn cả loa độ nhạy cao một chút chứ đừng nói gì đến tai nghe. Ít hãng khai thác bóng này vì nó hay bị dao động tự kích tần số cao, gây hú hét, í ới, bóng thì rẻ nhưng đầu tư linh kiện cho nó rất tốn kém. 6C45 còn có một nhược điểm là hồi xưa, anh Nga làm ra nó để chạy chế độ “mình ên” nên kiếm 2 cặp cân nhau khó hơn đãi vàng, sai số của bóng trong data có khi sai số so với thiết kế hơn kém 3% ! 6C45 hay nhất là loại Gold-grid, sản xuất từ những năm 71-75 nhưng khổ lắm, mình lựa 16 con thì mới ra được 1 cặp cân nhau T_T

Đối với những bạn nào đang dùng Woo WA7, tốt nhất là mua 6C45 của Electro Harmonix Gold-pin sản xuất trong thời gian mới đây, âm thanh rất điệu đà, kiểu cách, lịch sự và dải bass rất lực, sung mãn. Đã vậy, loại bóng mới này còn được nhà sản xuất lựa chọn 2 bóng cân nhau hoàn toàn nên bạn tránh được trường hợp bên to bên nhỏ. Có thể bạn cũng tìm hiểu cái bóng này trên mạng và bạn thấy Jacmusic.com có nói về trường hợp EHX 6C45 Gold Pin bị mất chân không trong nếu xài lâu, điều này đúng chứ không phải sai, thực tế các con Electro Harmonix 9-pin nào cũng bị trường hợp này cả. 6C45 bị nhiều là do nó quá nóng và chân đèn bị giãn nở, gây ra các vết rạn nứt li ti nằm ở đáy bóng và làm lọt khí. Nghe thì ghê vậy chứ bạn đừng có lo, khi nào khai thác gần như triệt để để thì nó mới nóng đến mức vậy thôi Còn cắm WA7 thì có mà 4 năm, 5 năm cũng không hề hấn gì.

Đây là một số đèn dùng trên các amplifier mà mình biết, nếu bạn có thắc mắc về loại nào nữa thì cứ để lại comment bên dưới, cái nào biết mình sẽ tư vấn cho. Nhưng mà bạn phải nhớ là… không phải con đèn nào đắt cũng hay đâu, và việc trải nghiệm đèn cũng là một phần rất thú vị trong thú chơi audio. Và xin bạn nhớ rằng, không phải đèn nào cũng cắm thay thế cho nhau được, có rất nhiều trường hợp mình thấy bạn thấy đế 9 chân nên nghĩ con đèn 9 chân nào cắm vào cũng được và kết quả là hư cả biến áp nguồn rồi những linh kiện liên quan trong mạch, thận trọng xem kỹ thông số bóng dùng trên thiết bị để chọn lựa cho phù hợp.

Nguồn tham khảo: Monospace – http://monospace.vn/threads/danh-gia-mot-so-loai-den-dien-tu-dung-trong-cac-headphone-amplifier.526/

Exit mobile version