[Audio Wiki] Phối ghép hiệu quả ampli tai nghe nhờ hiểu trở kháng

Trở kháng đầu ra của nguồn phát là một trong những lý do phổ biến nhất khiến các tai nghe trình diễn khác đi, nhưng thông số này thường bị các nhà sản xuất lờ đi.

AK240_Gold_01
Máy nghe nhạc Astell & Kern AK240 có trở kháng đầu ra 2Ohm (ở cổng 3,5mm)

Ở trong một bài viết trước, Stereo đã giải thích đơn giản về trở kháng của ampli, loa và tai nghe. Song nếu muốn hiểu rõ hơn về cách phối ghép hiệu quả khi chơi tai nghe thì những thông tin dưới đây sẽ hữu ích cho bạn:

Một trong những thông số quan trọng nhất nên quan tâm trước khi mua tai nghe và ampli luôn là trở kháng. Thông số này ảnh hưởng rất lớn tới âm thanh đạt được. Nói ngắn gọn thì trở kháng đầu ra của ampli nên nhỏ hơn một phần tám trở kháng tai nghe. Ví dụ như chiếc Grado HF2 có trở kháng 32Ohm thì nên chơi với ampli có trở kháng đầu ra dưới 1Ohm. Còn chiếc inear có trở kháng 100Ohm thì nên chơi dưới 12Ohm. Một số nhà sản xuất ampli cao cấp hiện nay thường đưa ra sản phẩm có trở kháng dưới 1Ohm. Còn ngưỡng của các sản phẩm nên cân nhắc là dưới 2Ohm.

iphone 4s
Không nhiều người để ý rằng, iPhone 4S có trở kháng đầu ra chỉ dưới 1Ohm, và khả năng chơi nhạc của chiếc smartphone này vẫn rất tốt ngay cả khi so sánh với nhiều đối thủ mới hơn

Một trong những nguyên nhân của việc này là đảm bảo ampli có đủ công suất để khiến tai nghe chơi nhạc đủ lớn. Ví dụ như chiếc ampli Behringer UCA202 với trở kháng 50Ohm thường được thiết kế cho các tai nghe chuyên nghiệp, nên ghép với các tai nghe thông thường có trở kháng 16/32Ohm luôn là vấn đề.

Thực chất, trở kháng đầu ra không cố định, mà luôn thay đổi theo tần số. Trở kháng càng cao thì sự thay đổi càng lớn, đôi khi đủ lớn đến mức người nghe có thể cảm nhận được, và thậm chí sẽ có ảnh hưởng xấu đến âm thanh.

Quan trọng không kém là trở kháng liên quan trực tiếp tới damping factor, cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới âm trầm. Nếu trở kháng không phù hợp, âm trầm sẽ không được kiểm soát tốt, bị lấn dải, méo tiếng… Số ít người thích “hiệu ứng âm thanh từ ampli đèn” như vậy, song nó ảnh hưởng rất lớn tới độ chính xác của bản nhạc.

mo hop dac headamp jds labs element_04
JDS Labs là một trong số ít nhà sản xuất công bố kỹ thông số của sản phẩm. Như chiếc Element có trở kháng đầu ra dưới 1Ohm.

Điều đáng buồn là nhiều nhà sản xuất cố tình lờ đi thông số về trở kháng đầu ra của ampli. Một số khác lại vẫn cố tình tạo ra các sản phẩm có trở kháng đầu ra khá cao, lý do là họ muốn bảo vệ tai nghe tốt hơn (và việc thiết kế cũng đơn giản hơn, rẻ hơn). Trở kháng đầu ra thấp khiến công suất đôi khi quá cao, nếu người dùng vô tình để ampli ở mức tối đa có thể gây hỏng driver của tai nghe (đặc biệt với các inear độ nhạy cao). Giải pháp tốt hơn là vẫn có trở kháng đầu ra thấp, nhưng thiết kế với nhiều mức gain.

Nguồn tham khảo: Stereo.vn – http://stereo.vn/theo-xu-huong/stereo-wiki-phoi-ghep-hieu-qua-ampli-tai-nghe-nho-hieu-tro-khang.html

Leave a Reply