Dịch vụ stream nhạc độc quyền – sự cám dỗ mới cho các hình thức nhạc lậu

Các dịch vụ streaming đã và đang rất thành công, điều này không còn phải nghi ngờ gì nữa.Spotify ra mắt tại Mỹ vào năm 2011 đến nay đã cán mốc 30 triệu khách hàng đăng ký. Apple Music trình làng vào quý 3 năm 2015 đến nay đã đạt 10 triệu lượt đăng ký. Các con số trên cũng đã cho thấy số lượng người dùng khổng lồ đang trả tiền để nghe nhạc, thật là một tin đáng mừng cho giới nghệ sỹ

monospace-streaming-music-and-pirating-1.jpg

Tuy nhiên với điều kiện thương mại và hợp đồng bản quyền như hiện nay, người dùng khó có thể thưởng thức “toàn bộ” thư viện nhạc nếu chỉ sử dụng một tài khoản với một dịch vụ streaming. Các cơ chế độc quyền, sự liên hệ và hợp tác với các nguồn khác nhau của giới nghệ sỹ khiến cho thư viện nhạc bị phân tán ra nhiều dịch vụ khác nhau. Đây là vấn đề có thể một lần nữa làm dấy lên các hình thức nhạc lậu.

Đề cập đến nhạc lậu, chúng ta khó có thể nói xuất xứ chính xác của chúng từ đâu. Chúng ta chỉ cần thấy một điều rõ ràng rằng chỉ riêng ở đất Mỹ đã có khoảng 20 triệu người đã nghe và “phát tán” nhạc lậu và vẫn đang tiếp tục công việc đó. Đây là chưa kể đến hơn một phần năm (1/5) dân số thế giới đã từng tiếp xúc và đang sử dụng nhạc lậu. Nền công nghiệp âm nhạc thế giới đang ngày càng mạnh tay với các hình thức tải nhạc lậu như cho ngừng Napster (một dịch vụ chia sẻ nhạc miễn phí ra đời năm 1999), các hình thức chế tài những cá nhân chia sẻ nhạc trái phép, và gần đây nhất là các bộ luật SOPA hay PIPA nhắm vào việc chia sẻ thông tin trên internet. Người dùng vẫn còn nhiều nhận xét trái chiều tuy nhiên về cơ bản các biện pháp trên cũng có những công hiệu nhất định nào đó.

Các con số doanh thu của những dịch vụ streaming nhạc cũng thể hiện một sự thật rằng: người dùng cần tiếp cận tốt hơn với các tác phẩm nhạc trước khi quyết định có trả tiền hay không. Đa số người dùng khi thích một bài hát hay album nào đó (dĩ nhiên phải nghe thử mới biết được), họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bài hát hay album đó. Các dịch vụ stream nhạc có trả phí thường có quá nhiều thứ độc quyền phải thông qua các công ty nhạc nên khả năng tiếp cận thư viện nhạc của người dùng sẽ phức tạp và rối rắm hơn. Hệ quả tất yếu là họ có thể sử dụng các dịch vụ nhạc lậu, đơn giản chỉ vì nó có bài hát mà họ thích. Người dùng chỉ cần có thế, không hơn.

monospace-streaming-music-and-pirating-2.png

Chúng ta cùng xem một ví dụ thế này: Trong tuần này Drake sẽ phát hành hai bản single mới trong album Views from the 6, độc quyền trên Apple Music. Vào tháng trước, album The Life of Pablo của Kanye West cũng ra mắt độc quyền trên Tidal, và sau đó đã có đến 500.000 lượt người cùng nhau up và leech torrent, đến lúc này thì chàng ta phải phát hành thêm trên Spotify để cứu vãn lại lợi nhuận. Big Sean, Jhené Aiko, Beyonce và Nicki Minaj cũng là những cái người có tác phẩm độc quyền trên nhiều dịch vụ stream nhạc khác nhau. Dễ nhận thấy rằng cách thức phát hành này giúp giới thiệu tên tuổi của dịch vụ stream đến người nghe, thu hút các đăng ký mới và mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả dịch vụ stream và các nghệ sỹ. Hơn một triệu đăng ký mới trên Tidal trong ngày phát hành album của Kanye West, nhưng ai sẽ tiếp tục sử dụng và ai sẽ bỏ luôn? Người dùng, mà trong đó đa số chính là những fan, sẽ phải trả giá ra sao cho các tác phẩm độc quyền kia?

monospace-streaming-music-and-pirating-5.jpg

Ta thử làm bài toán đơn giản. Đăng ký cho một dịch vụ stream cộng thêm các khoản linh tinh khác nữa sẽ tốn khoảng $120 mỗi năm. Hai dịch vụ sẽ là $240 (tính đồng giá cho đơn giản). Vậy nếu bạn sở hữu đăng ký ở cả ba dịch vụ Apple Music, Tidal và Spotify thì bạn sẽ phải bỏ ra con số $360 mỗi năm để có thể sử dụng một thư viện nhạc đầy đủ nhất. Con số này là rất lớn đối với người dùng thông thường hay những ai có hầu bao eo hẹp.

Các dịch vụ stream nhạc đang làm tổn thương người nghe, những khách hàng tiềm năng, bằng các tác phẩm phân phối độc quyền nhằm lôi kéo họ đăng ký dịch vụ của mình. Với cách làm đó, các dịch vụ stream nhạc đang đứng giữa lằn ranh được ăn cả ngã về không, với người dùng cắn răng đăng ký hoặc sẽ bỏ luôn và sử dụng các dịch vụ nhạc lậu, thế là hết. Rõ ràng giấc mơ stream nhạc với thư viện nhạc đầy đủ nhất trên thế giới có thể trở thành hiện thực, nhưng nó sẽ không thể trụ vững nếu tiếp tục xuất hiện những rào cản về chi phí như hiện nay.

Leave a Reply