Chơi âm thanh không giống chơi siêu xe

HFVN – Theo anh Việt, một audiophile thế hệ 8X, sở hữu dàn hi-end thoả mãn gu âm nhạc của mình quan trọng hơn nhiều việc nắm trong tay các thiết bị tên tuổi lớn.

Thú chơi “vân vi” và tốn kém mang tên hi-end đang được trẻ hóa khi thu hút ngày càng nhiều thế hệ 8x tham gia. Với hệ thống hi-end mơ ước cùng quan điểm chơi âm thanh rất mới của thế hệ đầu 8x, anh Việt ở Hà Nội là một trong những đại diện tiêu biểu cho xu hướng này.

1000040401_1

Hệ thống của anh Việt.

Theo anh Việt, chơi audio không giống chơi siêu xe. Việc sở hữu hệ thống hi-end gồm những thương hiệu tên tuổi không quan trọng bằng việc chúng có thỏa mãn gu âm nhạc của chủ nhân hay không. Hệ thống của anh được xây dựng khá công phu nhờ kinh nghiệm có được sau hơn chục năm chơi audio và những khoản tiền không nhỏ để nâng cấp cũng như mua mới thiết bị.

Với quan điểm nâng cấp là cần thiết, anh Việt đã mạnh tay đầu tư để có được những thiết bị phù hợp với sở thích âm nhạc riêng. Trước đây, anh từng sở hữu nhiều sản phẩm thuộc các thương hiệu tên tuổi như JBL, McIntosh, Plinius… nhưng đã dần thay thế bằng những thiết bị tốt hơn. Từng chơi đôi Ascendant, nhưng khi chuyển lên đôi Time, anh gần như phải nâng cấp toàn bộ hệ thống. Đôi power-ampli Goldmund Telos 350 để “kéo” Ascendant không còn phù hợp cũng phải nhường chỗ cho Telos 1000. Đầu Metronome CD One cửa nóc cũng không trụ được trước sức hấp dẫn về cả âm lẫn sắc của đầu CD Kalista Reference, dù số tiền đầu tư nâng cấp không nhỏ. Dần dà, anh xây dựng được hệ thống khiến không ít người mơ ước.

Trong phòng nghe nhỏ nhắn trên gác hai, cặp Avalon Time nổi bật. Cặp loa này gồm hai woofer sợi carbon 27,5cm, midrange gốm 12cm và tweeter kim cương 2,5cm được anh Việt đặt hàng chính hãng với màu gỗ đẹp mắt. Nó được “kéo” bằng cặp power-ampli Goldmund Telos 1000 (Thụy Sỹ) với công suất 1.000 Watt mỗi kênh. Điều khiển power-ampli là preampli đồng bộ Mimesis 22 History. Tâm điểm trong hệ thống âm thanh là Kalista phiên bản Reference của Metronome Technology. Ngoài ra, còn phải kể đến dây tín hiệu ODIN và dây loa NBS Black Label. Cung cấp điện cho hệ thống là các bộ lọc, ổn áp Isotek Nova và Isotek Super Titan.

1000040401_3

Loa Avalon Time.

Đánh giá cao vai trò của nguồn điện, anh Việt đã tự thiết kế điện lưới cho phòng nghe bằng cách lấy điện trực tiếp sau công tơ để tránh can nhiễu. Đồng thời, anh dùng hai lọc điện: Super Titan cho hai khối pow Telos 1000 và Nova cho các cụm thiết bị nhỏ hơn như pream Mimesis 22 History, đầu CD Kalista.

Anh Việt cũng tự thiết kế phòng nghe theo phong cách riêng để có thể vừa nghe nhạc, xem phim, thậm chí làm việc tại đây nếu cần. Trong đó, các bức tường và trần ốp cách âm, được trang trí bằng những tấm phù điêu composite và dàn đèn chiếu sáng dịu nhẹ. Do phòng nghe khá hẹp, anh Việt phải bố trí loa theo chiều ngang. Ban đầu, anh nghĩ rằng cách sắp xếp này có thể không phát huy hết tiềm năng của các thiết bị. Song kết quả lại làm anh bất ngờ khi chúng tái tạo những bản nhạc mà mình yêu thích hay hơn kiểu bố trí loa dọc theo phòng như truyền thống. Cũng có thể do thể loại vocal có giai điệu nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, được nghe ở âm lượng vừa phải thích hợp với cách bố trí này. Với vị trí ngồi nghe khoảng 3m, các bản nhạc được trình diễn tốt, dù âm thanh có thể bị lệch khi ngồi không chính giữa hai loa.

Sở hữu hệ thống để đời, nhưng anh Việt vẫn quan niệm đó không phải là tất cả với người chơi hi-end. Theo anh, quan trọng nhất là hệ thống cần thỏa mãn gu thưởng thức âm nhạc của chủ nhân, đồng thời, gia chủ cũng cần biết khai thác tối đa những tính năng riêng biệt của từng thiết bị và dám nâng cấp khi cần thiết.

Nghe Nhìn Việt Nam

Nguồn tham khảo: HFVN – http://www.hifivietnam.vn/vi/tay-choi/choi-am-thanh-khong-giong-choi-sieu-xe/

Leave a Reply