Sony MDR-1R – triết lý âm nhạc hiện đại

Dù không nhận được quan tâm nhiều như với smartphone hay máy tính bảng, dòng tai nghe full-size MDR-1r vẫn được Sony để tâm phát triển. 
Kiểu dáng thiết kế
Ngay khi tiếp nhận sản phẩm, mẫu tai nghe MDR-1r đã khiến chúng tôi bất ngờ. Dù chưa phải là sản phẩm đầu bảng, nhưng Sony vẫn biết cách ghi điểm với khách hàng khi đặt tai nghe này trong hộp đựng bắt mắt. Điều đó khiến chúng tôi yên tâm về tình trạng ổn định của tai nghe trong quá trình vận chuyển.
Khi mở hộp, chúng tôi nhận thấy tai nghe được bảo quản khá cẩn trọng. Bên dưới là lớp vải nhung, còn các phụ kiện đi kèm đựng trong ngăn khác. Vì thế, nếu không nói trước giá bán, thì nhiều người sẽ nghĩ MDR-1r là một trong những mẫu tai nghe hàng đầu của Sony. Cảm giác đập hộp MDR-1r dường như thú vị hơn những mẫu tai nghe đầu bảng của Grado và có phần khá giống với Beats Pro.

Ngoài khá nhiều giấy hướng dẫn sử dụng và bảo hành, phụ kiện kèm theo còn có hai sợi cáp và một túi đựng bằng vải viền da hai ngăn khá đẹp. Chiếc túi chỉ đựng đủ tai nghe và các sợi cáp đi kèm mà không đủ rộng để nhét thêm máy nghe nhạc loại thông thường. Với những người muốn bảo vệ tai nghe tốt hơn, không nên sử dụng túi đi kèm do nó không có khả năng chống sốc. Việc mua thêm hộp cứng với giá 300-500 nghìn đồng rất cần thiết.

Sony MDR-1R - triết lý âm nhạc hiện đại - ảnh 2
Sony khá cẩn thận khi thiết kế MDR-1r với dây cáp rời. Do đó, người dùng có thể dễ dàng thay thế khi bị đứt dây trong quá trình sử dụng hoặc nâng cấp dây cáp cao cấp hơn. Một sợi cáp đi kèm theo bộ điều khiển âm lượng và micro tương thích với các điện thoại di động, máy tính bảng hay máy vi tính. Sợi cáp còn lại có đầu cắm bọc nhôm khá đẹp và sang trọng, nhưng không kèm bộ điều khiển

Kiểu thiết kế hai đầu cùng dùng giắc cắm 3,5mm dễ gây nhầm lẫn cho người dùng. Cách sử dụng đúng là cắm đầu gần bộ điều khiển vào tai nghe để micro thu âm tốt hơn, cho dù cắm kiểu ngược lại vẫn có âm thanh tốt. Cả hai sợi cáp có độ dài 1,2m, đủ để sử dụng cùng điện thoại khi di chuyển hay hay máy tính xách tay, máy tính để bàn khi cần đến dây nối dài. Tuy nhiên, đầu cắm có thể bị lỏng đôi chút khi phải rút ra, cắm vào nhiều. Dây cáp cũng tạo ra tiếng ồn trong quá trình di chuyển.

Thực chất, MDR-1R là phiên bản tiêu chuẩn trong dòng tai nghe mới của Sony. Hai phiên bản khác của dòng sản phẩm này là MDR-1RBT sử dụng kết nối Bluetooth, có thời lượng pin khoảng 30 giờ theo công bố của Sony. Mẫu tai nghe này cũng tích hợp công nghệ giao tiếp tầm gần NFC. Người dùng điện thoại mang thương hiệu Sony tích hợp NFC chỉ cần thao tác chạm đơn giản tai nghe vào điện thoại là có thể kết nối.
Sony MDR-1R - triết lý âm nhạc hiện đại - ảnh 3

Riêng phiên bản cao cấp nhất của dòng tai nghe này là MDR-1RNC tích hợp công nghệ giảm tiếng ồn chủ động, nhưng vẫn sử dụng dây như bản chuẩn. Pin tích hợp trong tai nghe có khả năng lọc tiếng ồn khoảng 22 giờ/lần sạc. Đồng thời, Sony cũng tích hợp công nghệ S-Master Digital Amplifier trên hai phiên bản MDR-1RBT và MDR-1RNC để hạn chế hiện tượng méo tiếng do sóng Bluetooth không ổn định hoặc khi hệ thống lọc tiếng ồn hoạt động.

Điểm đáng khen nhất về thiết kế của MDR-1R là mang đến cảm giác thoải mái khi sử dụng nhờ sử dụng chất liệu da được xử lý làm mềm ở phần đệm tai và thanh đỡ. Khung tai nghe bằng kim loại không tạo áp lực quá lớn cho người dùng. MDR-1R là một trong những tai nghe dạng trùm đầu có tạo sự thoải mái cao nhất hiện nay. Điều này cũng góp phần giảm bớt khả năng cách âm của tai nghe này. Nó lý giải tại sao Sony cần phát triển trên phiên bản nâng cấp tính năng chống ồn chủ động.

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng điều đó không có nghĩa MDR-1r không có khiếm khuyết về thiết kế. Tuy mang dáng vóc của tai nghe dòng DJ, nhưng Sony không trang bị cho sản phẩm này khả năng gập vào mà chỉ có thể xoay driver sang trái phải. Vì thế, chúng tôi gặp đôi chút khó khăn khi mang tai nghe khi di chuyển. Giải pháp tháo dây ra rồi đeo trên cổ không khả thi. Giá như Sony đầu tư thêm chút nữa cho tai nghe này thì đã không có “gót chân Achilles” đáng tiếc trên.

Trình diễn

Với mẫu tai nghe hướng đến mục đích di động như MDR-1r, yếu tố quan trọng là sự dễ “thích nghi” với nhiều nguồn phát. Nếu phải kè kè theo ampli khi di động chuyển, thì tính di động sẽ không còn, kể cả khi kích thước ampli có nhỏ như điện thoại di động. Vì thế, chúng tôi tiến hành thử nghiệm MDR-1r với laptop Macbook Pro MC700 13inch, sử dụng cổng xuất âm thanh 3,5mm cùng trình phát nhạc iTunes 11 được thiết lập mặc định. MDR-1r được nghe hơn 50 giờ burn-in để các thành phần ổn định.
Sony MDR-1R - triết lý âm nhạc hiện đại - ảnh 4

Nguồn nhạc sử dụng tải về từ kho nhạc iTunes dưới định dạng AAC 256 Kbps, được kiểm tra chất lượng bằng phần mềm đọc phổ nhạc Spek. Có chất lượng gần với nhạc không nén như WAV, nhưng AAC 256 Kbps có dung lượng nhỏ hơn rất nhiều, phù hợp với tiêu chí di động của MDR-1r và dễ tìm nguồn nhạc hơn.

Là nhà sản xuất audio thâm niên, thêm nữa âm bass cũng là thế mạnh truyền thống của Sony, vì thế, chúng tôi đặt khá nhiều kỳ vọng vào chất lượng dải bass của MDR-1R. Tuy nhiên, thực tế trải nghiệm lại khiến chúng tôi hơi thất vọng. Dải bass nhiều về lượng, nhưng chất lại chưa “tới”. Lượng bass chưa đủ nhiều cho những người đặc biệt thích âm bass (hay gọi là bass head), nhưng lại hơi thừa với những người thích chất âm đồng đều do hơi lấn hai dải còn lại. Dù âm bass đánh khá tập trung và gọn gàng, âm bass xuống được khá sâu với lực khá tốt, chủ yếu là mid bass và có thể sánh với BeyerDynamid DT880, nhưng với giá bán lẻ 300USD, chúng tôi muốn MDR-1R thể hiện được âm bass căng, nảy hơn nữa.

Không như sự nửa vời của âm bass, dải mid – khởi nguồn của âm nhạc – mang đến chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị, cho du vẫn hơi tiến và thiên sáng. Ngay trong bài While Your Lips Are Still Red của Nightwish, giọng ca của Marco Hietala thể hiện rất tốt. Người nghe có thể cảm nhận cả tiếng lấy hơi, giọng gió hay những câu từ được vocal này nhấn nhá rõ ràng và ngọt ngào. MDR-1R đã thuyết phục được chúng tôi khi trình diễn dải mid quyến rũ, khó có thể tìm thấy trên dòng tai nghe trùm đầu di động nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, MDR-1R còn mang đến người nghe âm trường rộng rãi. Nhờ kích thước lớn và thiết kế lỗ thoát âm, MDR-1R cho người nghe cảm giác đang ở giữa phòng hòa nhạc để có thể cảm nhận dễ dàng vị trí của từng nhạc công. Tất nhiên không thể mong chờ ở mẫu tai nghe này có âm trường quá rộng như những dòng tai nghe dạng mở, nhưng cũng cho người nghe cảm giác thoáng đãng. Âm trường rộng kết hợp với dải bass “vừa phải” khiến chúng tôi không bị mệt khi sử dụng nhiều giờ liên tục.

Sony thường không thể hiện tốt dải treble trên những chiếc tai nghe phổ thông. MDR-1R cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí, treble còn là dải âm mà MDR-1R thể hiện mờ nhạt nhất. Màn trình diễn khá cứng, gắt khiến nhiều người liên tưởng đến hành động đập hai thanh inox theo nốt nhạc hơn là tiếng thánh thót trên đàn guitar.

Mang đến chất âm ấm áp, dễ nghe, thậm chí nịnh tai và thiên hướng điện tử hơn là acoustic, MDR-1R không dành cho audiophile hay phòng thu. MDR-1R cũng không hẳn là lựa chọn tốt cho những người thích “chơi” thiết bị do tai nghe này dễ dàng phát huy được khả năng ngay cả với nguồn phát di động và không thay đổi nhiều khi nâng cấp nguồn phát. Song, người yêu âm nhạc đơn thuần muốn tìm kiếm những chiếc tai nghe chất lượng cao và thích thưởng thức âm nhạc trong khi di chuyển hay các tín đồ thời trang, Sony MDR-1R là lựa chọn đáng lưu tâm. Thậm chí, cách đóng gói của Sony cũng khiến tai nghe này xứng đáng lọt vào danh sách quà tặng trong những dịp lễ Tết hay sinh nhật.

Công Tiến

Nguồn tham khảo: NNVN // http://nghenhinvietnam.vn/phu-kien/sony-mdr1r-triet-ly-am-nhac-hien-dai-83.html

Leave a Reply