[Audio Wiki] Lịch sử hơn 130 năm phát triển của chiếc tai nghe

Tai nghe được ra đời cách đây hơn 130 năm và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Sự thật là mỗi con người đều có một gu âm nhạc riêng, không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận thể loại nhạc của người khác và sẽ thật khốn đốn khi ai đó bật nhạc to giữa chốn công cộng, đặc biệt là những thể loại mà bạn chẳng hề yêu thích. Do đó, tai nghe được ra đời và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Lịch sử của tai nghe lâu đời hơn rất nhiều trước khi Steve Jobs giới thiệu mẫu earbud và Dr.Dre cho ra dòng tai nghe Beats. Và để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về những chiếc tai nghe từ thuở nguyên sơ cho tới nay, chúng tôi xin được mạn phép kể lại câu chuyện lâu đời về thứ vật dụng bất ly thân này.

Lưu ý trong bài viết này, người viết chỉ giới thiệu những cột mốc mà ở có sự thay đổi lớn về ngoại hình,thiết kế cũng như cách sử dụng của chiếc tai nghe, không đi xâu vào công nghệ cũng không đưa ra những sản phẩm tiêu biểu và tốt nhất ở thời điểm.

Năm 1881, trước khi xuất hiện định dạng mp3 hay nhạc điện tử, tai nghe đã xuất hiện. Tai nghe thời kì đó không để dành cho nghe nhạc mà chúng được sử dụng chủ yếu cho các điện tín viên. Các mẫu tai nghe đầu tiên mới chỉ là những cái ốp tai biết phát ra tiếng được đeo trên cổ người sử dụng và nặng khoảng 4,5 kg (giống như đeo đài cát-xét trên vai)
Đến năm 1895, nhờ có hệ thống điện tín, các tín đồ âm nhạc có thể thưởng thức những giai điệu đến từ nhà hát một cách thoái mái tại nhà. Người đăng ký sử dụng dịch vụ “thượng lưu” này sẽ thưởng thức âm thanh yêu thích thông qua một chiếc tai nghe. Trên thực tế, chúng giống với một ống nghe phổi của bác sĩ hơn là tai nghe, tuy nhiên chúng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: phát được âm thanh từ nhà hát đến tận nhà.
Năm 1910 đánh dấu một bước ngoặt trong dòng thời gian của tai nghe. Một thanh niên tên là Nathaniel Baldwin bắt đầu sản xuất những mẫu tai nghe hiện đại đầu tiên. Anh chàng chế tạo chúng trong gian bếp của mình rồi bán cả cho hải quân Mỹ. Lần đầu tiên trên thế giới, 2 cái lon có thể điều chế thành một thứ đồ dùng mà chúng ta có thể thấy ngày nay. Thật tội nghiệp Baldwin, anh ta không đăng ký bằng sáng chế cho phát minh của mình vốn có thể cho anh chàng một gia sản kếch xù.
Năm 1937, mẫu tai nghe DT-48 đến từ Beyerdynamic là chiếc tai nghe điện động đầu tiên trên thị trường. Đi trước vài thập kỷ so với tai nghe điện tĩnh, đây là bước tiến vĩ đại trong lịch sử tai nghe. Tai nghe điện động, cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường.
Năm 1949, hãng AKG sản xuất chiếc tai nghe đầu tiên của mình, mẫu tai nghe K120. Cháy hàng là từ tốt nhất để miêu tả mức tiêu thụ của chúng. Mẫu tai nghe này và một số mẫu tiếp theo mang lại lợi nhuận lớn tới mức AKG quyết định từ bỏ kinh doanh các thiết bị phim ảnh mà tập trung vào phát triển sản phẩm âm thanh.

Năm 1958, John C. Koss đã tạo ra một cú hích mạnh tới thị trường theo cái cách mà thậm chí khiến Dr.Dre phải ghen tỵ. Koss đã cho ra lò mẫu tai nghe stereo đầu tiên (Koss SP-3) và mở một cuộc tấn công ồ ạt vào thị trường. Vài thập kỷ sau đó, Koss thống lĩnh thị trường tai nghe công nghiệp. Một điều thú vị là Koss chẳng cần học đến đại học hay được đào tạo tương đương. Chẳng cần bằng cấp vẫn có thể đột phá, đó là bài học chúng ta rút ra từ Koss.

Năm 1959, tại một buổi trình diễn tại Tokyo, Stax giới thiệu với thế giới mẫu tai nghe điện tĩnh đầu tiên. Mẫu SR-1 đi vào sản xuất một năm sau đó. Mẫu tai nghe này trở nên vô cùng hiếm vào thời điểm hiện tại, cũng giống như một đội Nike Air Mag nguyên bản hay người sử dụng tai nghe bị khiếm thính.

1968, một thập kỷ sau khi ra lò mẫu tai nghe stereo đầu tiên, Koss tiếp tục đúc thành công tai nghe điện tĩnh Made in US. Mẫu ESP-6 nặng khoảng gần 1 kg, chưa thể bằng các mẫu earbud tuy nhiên đã tiến thêm rất xa so với các tai nghe thế hệ trước.
Năm 1979, Nếu như phải bầu chọn mẫu tai nghe quan trọng nhất trong lịch sử tai nghe, chúng ta sẽ khó lòng có sự lựa chọn nào khác ngoài tai nghe đi kèm Walkman của Sony. Một bước tiến vượt bậc, tai nghe đủ gọn nhẹ để mang theo người hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. Với chiếc Walkman đầu tiên. Sony trang bị kèm theo mẫu tai nghe MDL-3L2 biến việc thưởng thức âm nhạc trong khi đang trượt ván trở thành điều có thể và là xu hướng.
Năm 1980, 2 kiểu tai nghe dành cho những người có vấn đề với tóc khi đeo tai nghe, đó là kiểu in-ear và earbud. Tuy nhiên sự thành công trên thị trường thương mại chưa đạt mức mong đợi, thời của chúng chưa đến. Chúng phải đợi nhiều năm sau đó, khi Steven Paul Jobs nhảy vào cuộc chơi.
Năm 1997, mẫu tai nghe đeo cổ được ra đời bởi Sony. Họ nghĩ rằng chúng sẽ là sản phẩm tuyệt vời dành cho những người không thích tai úp chụp nhưng vẫn muốn độ cách âm tốt hơn kiểu earbud. Tuy nhiên kiểu tai nghe này không thành công lắm.
Vào năm 2000, tiếng đồng ồn nhiễu từ môi trường sẽ không làm phiền nhiễu người dùng tai nghe quá nhiều như trước đây. Bose đặt ra một giới hạn tiện nghi mới khi cho ra dòng tai nghe với công nghệ cản ồn. Mặc dù các phi công phản lực đã sử dụng công nghệ này cách đó cả nhiều thập kỷ, giờ đây các khách hàng của họ cũng được cứu vớt khỏi những tiếng ồn ma quỷ khó chịu.
Năm 2001, iPod thay đổi toàn diện thế giới âm nhạc. Rất dễ dàng thấy mọi người đi đường với sợi dây dẫn trắng từ túi quần túi áo lên đến hai tai. Kể từ khi ra đời từ năm 2001 đến nay, hơn 300 triệu iPod đã được bán cùng với sợi dây tai nghe màu trắng huyền thoại.
Năm 2008, Dr.Dre và Jimmy Iovine vào cuộc và cùng với Monster, sản phẩm đầu tay đã tạo nên thương hiệu Beats by Dr.Dre rất rất nổi tiếng. Được thiết kế với dải trầm sâu và cho chất lượng âm thanh tuyệt vời, Beats nhanh chóng ngoạm lấy thị phần tương đối lớn. Hình ảnh các cầu thủ bóng rổ NBA với tai nghe Beats bước ra từ xe buýt vào sàn đấu là một hình ảnh đầy biểu tượng cho sự thành công của Beats.
Năm 2012, tai nghe trưởng thành về phong cách cũng như chất lượng âm thanh. Một minh chứng hùng hồn là việc Lil Wayne sẵn sang bỏ ra 1 triệu đôla cho một sản phẩm của Beats.

Tham khảo: coolmaterial

Nguồn: IDO // http://ido.com.vn/lich-su-hon-130-nam-phat-trian-cua-chiec-tai-nghe.html

Leave a Reply