[Audio Wiki] WASAPI hay ASIO?

Đã qua rồi cái thời chơi nhạc trên máy tính đơn giản bằng Windows Media Player và Media DVD Center. Kể từ Windows Vista, DirectSound của Windows ngày càng “mất điểm” trong mắt dân audiophile khi hỗ trợ quá ít cho các chuẩn nhạc mới trong khi khả năng tùy biến và kết hợp codec giải mã phát sinh quá nhiều lỗi. WASAPIASIO xuất hiện đưa ra những giải pháp mới giải quyết cho các vấn đề tương thích cũng như chất lượng âm thanh. Bài phân tích sau đây sẽ tập trung vào các khía cạnh chính trong tranh cãi “WASAPI và ASIO, lựa chọn nào tốt hơn?”

monospace-foobar-with-asio.gif

Asio làm việc trực tiếp trên soundcard, DAC, không thông qua kernel mixer của windows, tương tự Kernel streaming, ASIO cho âm sạch hơn ( cái này mình thấy đúng 100% với trải nghiệm bản thân vì con Korg DS DAC 10 có driver tích hợp luôn Asio cho phần mềm Audiogate của nó, nghe xong khỏi về Foobar luôn ), giảm độ trễ do bỏ qua các lớp phần mềm trung gian, cũng thế nên ASIO output còn dc gọi là “bit identical” ,vì tính hiệu từ đến DAC giống nhau đến từng bit, không có sai số. Có nhiều người hay lầm tưởng là “bit perfect” nhưng không hoàn toàn là vậy, vấn đề về bit perfect mình sẽ trình bày sau trong một bài hoàn chỉnh và dành riêng cho nó.

monospace-wasapi.jpg

Điều đầu tiên cần phải đề cập đến là WASAPI và ASIO đều phụ thuộc nhiều vào phần cứng (có thể nói phần nào chúng chính là phần cứng) để phát nhạc chứ không như DirectSound của Windows chỉ là giả lập phần mềm. Đây cũng là lý do chính để WASAPI và ASIO có khả năng tùy biến (do sử dụng phần mềm driver riêng biệt) cao hơn nhiều so với DirectSound. Chúng cũng không phải phụ thuộc vào phiên bản Windows hay driver âm thanh mà bạn đang sử dụng.

Khác biệt thứ hai mà WASAPI và ASIO đều hơn hẳn DirectSound là chất lượng âm thanh chi tiết mà hai phương thức này mang lại. Nếu bạn sử dụng dây dẫn (cable) cao cấp, các chi tiết âm thanh sẽ được thể hiện rõ ràng và nổi bật hơn nhiều so với DirectSound. Chưa cần nói đến chất lượng bên nào tốt hơn do cả hai đều có các đặc điểm riêng của mình, nhưng chỉ qua việc chúng sử dụng được lợi thế của dây dẫn đã là một điều rất đáng mừng. Đến đây ta có thể thấy DirectSound của Windows bắt đầu “hít bụi” rồi.

Cũng cần phải nói thêm rằng do tính chất hoạt động như phần cứng riêng biệt của WASAPI và ASIO, mức trễ (latency) của cả hai phương thức đều rất thấp do dữ liệu được truyền tải và xử lý gần như trực tiếp, nhanh hơn nhiều lần so với các quá trình xử lý dữ liệu của DirectSound.

Về hoạt động, ASIO hầu như không khác biệt quá nhiều so với WASAPI ngoài khả năng hỗ trợ DSD và nhạc chất lượng cao trên 192kbps. Tuy nhiên với nhạc chất lượng cao trên 192kbps, DAC cần phải cài thêm driver riêng cho ASIO để có thể cung cấp chất lượng âm thanh tốt nhất. Các bản nhạc chất lượng cao này vẫn có thể nghe được khi sử dụng driver có sẵn tuy nhiên chất lượng âm thanh sẽ không tăng thêm được chút nào, làm cho phần “chất lượng cao” kia không còn ý nghĩa gì cả. Cũng vì phụ thuộc vào phần mềm driver nên ASIO có phần nào đó “khó xài”, nhất là đối với người mới hay những ai chỉ muốn đơn giản là mở nhạc lên và thưởng thức. Đó là chưa nói đến việc tìm kiếm một driver cho chất lượng âm thanh ưng ý là cả một quá trình “thử và nghiệm” (trial and error) khá mất thời gian.

WASAPI và ASIO 4.png

Về phần WASAPI, nó được dân chơi nhạc xem như một phương thức khá gần gũi với DirectSound (dĩ nhiên là không tính những hạn chế về âm thanh của DirectSound). Nó có một vài đặc điểm nổi trội hơn so với ASIO như dễ sử dụng hơn, tính tương thích cao hơn ở một vài chuẩn thiết bị và thuận tiện hơn đối với một bộ phận người dùng. WASAPI cũng như ASIO, không sử dụng bộ Mixer thông thường của Windows, do đó chất lượng âm thanh sẽ giữ được độ chi tiết và nguyên vẹn. Tuy nhiên cần phải lưu ý là WASAPI chỉ hỗ trợ PCM đến 24bit/192kHz mà thôi.

WASAPI có chế độ ưu tiên (Exclusive Mode) cho phép ngắt tất cả các âm thanh khác khi nghe nhạc, hạn chế các âm thanh quảng cáo, đoạn clip ngắn, các pop-up hay âm báo tin nhắn không mong muốn làm phiền khi bạn đang thưởng thức nhạc. Chức năng này được khá nhiều người yêu thích tuy nhiên cũng có một vài ý kiến trái chiều cho rằng điều này là không cần thiết và làm rườm rà khi muốn tạm dừng bài nhạc để làm một việc gì đó. Thôi thì tranh cãi vẫn là tranh cãi, nó chỉ dựa trên ý kiến chủ quan cá nhân mà thôi.

Một vài trường hợp người dùng phàn nàn về WASAPI có tính ổn định không cao khi kết hợp với DAC. Và sự thực đúng là vậy, tuy nhiên không quá thường xuyên. Vấn đề là do driver của WASAPI sau mỗi điều chỉnh cần phải restart lại để tiếp nhận thiết lập, tạo ra một số phiền phức và nhầm lẫn. Restart driver nhiều lần cũng có thể gây ra thiếu ổn định cho Windows và các lỗi driver phát sinh.

Cả WASAPI và ASIO đều được hỗ trợ đầy đủ khi sử dụng phần mềm chơi nhạc Foobar2k và có thể chuyển qua lại một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nếu bàn riêng về tính tương thích, ta thấy độ ổn định của hai phương thức này không chênh lệch nhau là mấy, có hay không chỉ là vấn đề sở thích cá nhân. Như đã nói ở trên, WASAPI và ASIO mỗi bên đều có những ưu nhược điểm nhất định, vì thế hãy lựa chọn cái nào thuận tiện cho bạn nhất.

Nguồn: Monospace.vn // http://monospace.vn/threads/wasapi-hay-asio.377/

Leave a Reply