Vì sao tai nghe mới ra đời ngày càng đắt đỏ

Như một lẽ thường tình, công nghệ phát triển sẽ kéo theo các thay đổi trong nhu cầu và thị hiếu của người dùng. Khuynh hướng công nghệ gần đây nhất xuất phát từ các nhãn hiệu điện tử hàng đầu với tham vọng đưa kết nối Apple’s lightning hay tiêu chuẩn USB-C làm đại trà là một ví dụ rất rõ. Theo một nghiên cứu thị trường gần đây, mức tăng trưởng phân phối tai nghe đã tăng thêm 7% với tổng số 331,3 triệu đơn hàng, trong khi phần tăng trưởng lợi nhuận lại nhảy vọt đến 19% (11,2 tỷ USD). Người dùng dường như ngày càng phải móc hầu bao nhiều hơn cho mỗi sản phẩm tai nghe mới. Vậy nguyên nhân là từ đâu?

monospace-why-headphones-are-so-expensive.jpg

Thật khó để đưa ra một nhận xét khách quan, tuy nhiên đa phần nguyên do là từ chính người dùng. Chúng ta ngày càng đòi hỏi chiếc tai nghe phải có các chức năng hay một đặc điểm riêng biệt nào đó. Từ đây yếu tố cung-cầu bắt đầu được thể hiện rõ ràng hơn, nhắm vào hầu bao của không chỉ những người chịu chi, mà còn vào những người muốn thỏa mãn sở thích hay cá tính riêng của mình. Tai nghe dành riêng khi tập thể dục thể thao đang là loại sản phẩm có đà tăng trưởng rất nhanh ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu, các mẫu tai nghe không dây cũng ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn, với số lượng đặt hàng tăng gấp đôi trong năm 2015, gia tăng thị phần thiết bị âm thanh lên 14%. Tiếp theo sẽ là những ai đòi hỏi yếu tố thời trang, thích nhiều bass hay đơn giản là chạy đua công nghệ, họ sẵn sàng móc hầu bao để phục vụ cho sở thích đó.

monospace-why-headphones-are-so-expensive-1.jpg

Đây dĩ nhiên là một điều đáng mừng cho các thương hiệu tai nghe. Mức giá trung bình của một chiếc tai nghe đã tăng 11% trong năm 2015, tính ra là khoảng $34. Các thương hiệu như Sony, JVC, Philips, và Apple tiếp tục tung ra những mẫu earbud giá rẻ để có thể gia tăng mức lợi nhuận cũng như chiếm thêm thị phần trong thị trường thiết bị âm thanh. Sony hiện nay đang nắm giữ 17% tổng thị phần tai nghe, Apple với thương hiệu con Beats sở hữu 11%. Hai “ông lớn” này thu về tổng số 47% lợi nhuận của thị trường tai nghe toàn cầu. Đó là chưa kể đến Beats và Bose chiếm 40% thị phần tai nghe cao cấp, tuy nhiều lúc vẫn phải giảm giá đôi chút để cạnh tranh với các tên tuổi tai nghe khác.

Một lý do nữa cũng bắt nguồn từ phát triển công nghệ. Sự bùng nổ thiết bị cầm tay là một trong những bước ngoặt lớn thúc đẩy sự phát triển của tai nghe. Chiếc máy MP3 đã từng là ao ước của bao người ngày nào giờ đây đã trở thành một phần mềm nghe nhạc “phải có” trong 99,9% các thiết bị di động. Khả năng nghe nhạc (các phần mềm MP3 player) đã trở thành một cái gì đó quá “thông thường”, người nghe bắt đầu chuyển sang khía cạnh “phần cứng” bằng cách đầu tư cho thiết bị nghe. Giá thành của những chiếc tai nghe vì thế cũng sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với lượng người dùng. Hiện nay, tuy nhu cầu về tai nghe đã có vẻ bão hòa ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu, nhưng cơn bùng nổ smartphone vẫn đang “hoành hành” rất dữ dội trong thị trường châu Phi và châu Á, tiên đoán có thể kéo dài đến thời điểm năm 2020. Chúng ta hãy cùng chờ đợi những biến động tiếp theo trong thị trường tai nghe toàn cầu.

Nguồn The Verge // Nguồn tham khảo: Monospace.vn – http://monospace.vn/threads/vi-sao-tai-nghe-moi-ra-doi-ngay-cang-dat-do.550/

Leave a Reply