Chario Constekkation Delphinus – Trầm hùng & Mạnh mẽ

HFVN – Hẳn người chơi audio tại Việt nam không còn xa lạ với nhãn loa Chario. Những model Hiper, Sytar… với các mẫu loa cột, loa bookshelf từng có thời được giới mê nhạc, audio ráo riết săn lùng. Âm thanh không quá cao sang và trịnh trọng như Tannoy, cũng không nồng nàn như Sonus Faber, Chario giữ được sự cân bằng, tiết chế cần thiết, nhưng vẫn thuần chất Ý, để âm nhạc đến người nghe vừa giữ được cái hồn ban sơ, vừa thấm đẫm tinh thần của hãng loa hi-end có gần 40 năm kinh nghiệm. Ở lần trải nghiệm này, chúng tôi sẽ giới thiệu ba cặp loa nhỏ của Chario phù hợp với những yêu cầu khác nhau về gu thưởng thức, điều kiện phòng nghe và chi phí đầu tư.

CONSTEKKATION DELPHINUS – TRẦM HÙNG VÀ MẠNH MẼ

Dù là cặp loa nhỏ thứ hai trong dòng Constellation (serie chỉ đứng sau dòng đầu bảng Academy), nhưng Delphinus vẫn có vẻ ngoài bề thế và chắc chắn, khá lớn so với cặp loa book-shelf thông thường. Delphinus (1.600USD) mang dáng vóc đặc trưng của cặp loa hi-end với cặp hồi ốp hai bên bằng gỗ thịt, chắc, dày với thớ gỗ tự nhiên đẹp mắt. Bốn mặt loa bọc bằng chất liệu com-posite tổng hợp màu đen tuyền, mang lại cảm giác mềm và mịn cho gười dùng. Không chỉ để trang trí, chất liệu này còn giúp loa triệt tiêu sóng đứng, sóng giao thoa phản xạ trên bề mặt loa, góp phần tạo nên âm thanh trung thực và trong trẻo đặc trưng của Chario. Delphinus là loa hai đường tiếng với một loa trung trầm nón giấy đường kính 17cm và một loa tweeter dạng dome mềm có đường kính 3,8cm

Để đánh cặp với bộ loa này, chúng tôi chuẩn bị hai ampli gồm ampli bán dẫn tích hợp Anthem 225 có công suất 225 W/kênh và ampli đèn tích hợp Cronus của Rogue Audio với công suất 55 W/kênh. Thiết bị nguồn là đầu đọc SACD Maverich của Music Hall.

Delphinus cho phép người nghe thưởng thức âm thanh chi tiết và chân thực mà không gặp những trở ngại đáng kể khi set-up hệ thống

Dù có thời điểm các thế hệ loa Chario trước đây rất được ưa về âm chất, nhưng vẫn chịu “tiếng” là khó đánh, kê đặt và khó thích ứng với phòng nghe… khiến người nghe có tâm lý e dè trước bài táon phối ghép hoặc bố trí phòng. Tuy nhiên, những vấn đề này dường như đạ được các nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng và loại bỏ trong các thế hệ loa mới. Ứng dụng công nghệ điều sóng T38 độc đáo, Delphinus cho phép người nghe thưởng thức âm thanh chi tiết và chân thực mà không gặp những trở ngại đáng kể khi set-up hệ thống, lựa chọn vị trí đặt loa.

Trước tiên, tôi đấu nối Delphinus với ampli bán dẫn của Anthem và nghe thử hệ thống với các bản nhạc cổ điển quen thuộc. Sở dĩ, tôi lựa chọn nhạc cổ điển làm các bản ghi chính để thử loa, bởi đến nay Chario luôn được tiếng là “chơi” cổ điển có nhiều nét ưu trội hơn các dòng loa khác cùng tầm giá. Quả không hổ danh một đôi loa bookshelf cao cấp, Delphinus không mất nhiều thời gian để chinh phục người nghe. Nếu buổi nghe thử này được tiến hành dưới hình thức test mù, thì chắc rằng 90% người nghe sẽ nghĩ rằng đang được tưởng thức màn trình diễn của đôi loa cột ba đường tiếng bệ vệ với đường kính loa bass không dưới 20cm. Sở dĩ Delphinus khiến người nghe có cảm giác này là do không gian trình diễn của loa khá sâu và rộng. Hơn nữa, tuy có nguồn gốc bookshelf, nhưng Delphinus lại có thể tái tạo âm trầm chắc nịch và lan tỏa trong không gian phòng nghe.

Chario-Constellation-Delphinus-wal-cher

Nghe Delphinus trình diễn, tôi có cảm giác chất giọng “địa phương” đặc trưng của Chario đước tiết chế khá nhiều mà thay vào đó là âm thanh tự nhiên, gấn gũi với những tín hiệu gốc của bản ghi hơn. Tuy phần trầm khá mạnh mẽ, nhưng cũng không lấn lướt các dải khác trong hệ thống. Trong khi đó, dải trung âm – vốn làm nên bản sắc của Chario – lại trong trẻo đáng ngạc nhiên. Thông thường, các đôi loa Italia vẫn mang đến dải trung âm rất đặc trưng: ngọt ngào, tròn trịa và trong sáng. Tuy nhiên, ở serie Constellation này, do các kỹ sư của Chario định hình Delphinus là dòng bookshelf hạng hi-end, nên âm thanh của nó có sự biến chuyển rất lớn so với các serie tầm trung: trung âm tự nhiên và mộc mạc hơn, âm nhạc tái tạo chân thực và sống động hơn. Âm thanh ít bị phủ mầu hơn. Điều đó có thể khiến các fan của Chario thoạt tiên không hài lòng. Nhưng tôi tin rằng: với âm thanh tự nhiên và quyến rũ, Delphinus sẽ chinh phục được. tngười nghe. Vấn đề chỉ là thời gian!

Sau vài tiếng thưởng thức âm nhạc qua đồ đánh bằng ampli bán dẫn Anthem, tôi nhận thấy âm nhạc có phần sống động, mạnh mẽ và chi tiết, nhưng vẫn thiếu sự mềm mại, ấm áp trong tiếng cello của Rostropovich. Tiếng violin của Salvatore Accardo chưa thật bay bổng, long lanh hay những giọt piano của Martha Argerich trong bản sonata viết cho piano của Meldeson chưa thật lay động lòng người. Để làm được điều này, trung âm của hệ thống cần thêm chút ngọt ngào, ấm áp; dải treble cần chi tiết hơn để tăng độ tơi nhuyễn, bay bổng. Để thay đổi chất âm của hệ thống, tôi thay đồ đánh bằng ampli chạy 4 đèn EL34 Cronus của Rogue Audio. Trước khi đấu nối, tôi đã đấu lại tải loa cho ampli để Cronus chạy chế độ 4 ohm, phù hợp với trở kháng của Delphinus.

a1_10

Ampli chạy 4 đèn EL34 Cronus của Rogue Audio

Quả thực chất “tube” khiến Delphinus trình diễn có phần thanh thoát, mềm mại hơn. Âm thanh của các nhạc cụ cổ điển được tái tạo khá mộc mạc, chân thực, đặc biệt là tiếng piano và violin. Với Delphinus, tôi thích nhất cặp loa này khi đánh cặp với ampli đèn có đủ công suất và chơi với âm lượng vừa phải. Ở trạng thái hoạt động này. Delphinus có thể tạo ra trường âm rộng, sâu, không gian âm thanh bóc tách và chi tiết, nhịp điệu, tốc độ của bản nhạc được kiểm soát tốt, phù hợp với các bản giao hưởng thính phòng.

Trước đây, tôi từng thẩm định một số cặp loa bookshelf có giá thành khoảng 1.500USD. Có lẽ cặp loa có chất lượng trình diễn gần với Delphinus là đôi loa Haydn Grand của Viena Acoustic. Cả hai cặp loa đều có khả năng tái tạo âm thanh rộng mở, hoành tráng. Hai cặp loa này khá lý tưởng cho dòng nhạc cổ điển, mang đến người nghe cảm giác âm thanh được phát ra từ đôi loa lớn. Tuy nhiên, đôi loa của Áo cho âm thanh dày và ấm hơn. Ngược lại, Delphinus lại mang đến âm nhạc tự nhiên, mộc mạc. Nếu so với các dòng loa Ý đồng hạng như Sonus Faber Concerto Home, Diapason Karis, thì Chario Delphinus có phần nhỉnh hơn đôi chút về không gian trình diễn và độ mộc.

BẤT NGỜ VỚI PREMIUM 2000 VÀ SILVERETTE 200

Chuyển sang cặp loa ở đòng thấp hơn Constel-lation, chúng tôi muốn kiểm chứng nguyên tắc “tiền nào của nấy”. Tuy nhiên, sau gần một giờ thẩm định với nhiều chương trình khác nhau, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt giữhai cặp loa này không thật lớn, có chăng là tuyến dưới của Delphinus có phần mạnh mẽ và đầy đặn hơn. Thêm nữa, Delphinus cũng cần không gian lớn hơn để có thể trình diễn thoải mái. Ở một khía cạnh khác, âm thanh của Premium 2000 (Giá tham khảo: 1.300USD) có phần “tươi” hơn Delphinus. Nhưng đặc tính này chỉ có thể thấy ở một số đoạn nhạc nhất định, có thể do tuyến trầm của Delphinus mạnh mẽ hơn. Giá của hai cặp loa bookshelf này không quá chênh nhau. Có thể nó được dành cho những người chơi có gu thưởng thức và điều kiện phòng nghe khác nhau.

8467e4a02ffa5ddf319b06b1d1259ec9

Âm thanh của Chario Premium 2000 (Giá tham khảo: 1.300USD) có phần “tươi” hơn Delphinus

Cặp loa cuối cùng và cũng là cặp nhỏ nhất trong lần nghe thử này là đôi Silverette 200 (Giá tham khảo: 800USD) thuộc serie gần như thấp nhất của Chario. Song không vì xuất thân khiêm tốn mà Silverette 200 khiến người nghe thất vọng. Ngược lại, đây là cặp loa gây ấn tượng mạnh nhất với tôi trong lần thử này. Silverette 200 hoàn toàn làm chủ không gian phòng nghe khoảng 15m2. Với trở kháng 8 ohm, độ nhạy 88dB, cặp loa rất phù hợp với ampli đèn có công suất 30-50 W/kênh. Ampli đèn tích hợp Rogue Cronus cũng chứng tỏ là đối tác khá phù hợp với Silverette 200. Quả thực, âm thanh của cặp loa nhỏ bé này mạnh mẽ và rộng rãi đến mức luôn mang lại sự ngạc nhiên cho người nghe trong thời gian thẩm định. Các bản giao hưởng hoành tráng trong đĩa thử Tutti thường được sử dụng để kiểm tra độ động và không gian của thiết bị được tái tạo mạnh mẽ, hoành tráng và tốc độ qua cặp loa nhỏ xíu Silverette 200. Âm thanh của các nhạc cụ cổ điển như bộ đồng, bộ gỗ được tái hiện với độ mộc, ấm, dễ chịu. Chuyển sang đĩa nhạc vo-cal, giọng hát của Alision Krauss khá mượt và êm ái, tạo cảm giác dễ nghe hay bản Deny Boy cũng được giọng hát của Jacintha thể hiện tình cảm, sâu lắng. Dù vocal vốn không phải là thế mạnh của Chario, nhưng với những công nghệ mới được ứng dụng khi thiết kế loa con, Chario đã bước đầu khắc phục hạn chế này.

silverette-surround-1

Silverette 200 hoàn toàn làm chủ không gian phòng nghe khoảng 15m2.

Trong lần thẩm định này, cả ba cặp loa nhỏ của Chario đều khiến chúng tôi hài lòng. Với những người có ngân sách không thật dư dả, nhưng vẫn quan tâm đến chất lượng âm thanh, đặc biệt là có gu nghe cổ điển thì Silverette 200 là cặp loa đáng để quan tâm. Với những tay chơi có điều kiện tài chính và phòng nghe tương đối lớn (khoảng 20m2), Premium 2000 và Constel-lation Delphinus là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, người chơi Delphinus cần lưu ý khâu set up phòng nghe và lựa chọn đồ đánh. Ampli công suất lớn, trở kháng thấp với bộ cấp dòng lớn, ổn định sẽ là đối tác ăn ý của cặp loa này.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Constellation Delphinus

  • Độ nhạy: 90dB
  • Trở kháng: 4 ohm
  • Dải tần: 45-20.000Hz
  • Tần số cắt: 170-1.500Hz
  • Công suất ampli: 50-140W
  • Kích thước (caoxrộngxsâu): 41x30x35cm
  • Trọng lượng: 12kg

Premium 2000

  • Độ nhạy: 89dB
  • Trở kháng: 8 ohm
  • Dải tần: 5-20.000Hz
  • Tần số cắt: 1.500Hz
  • Công suất ampli: 50-12W
  • Kích thước (caoxrộngxsâu): 42x21x32cm
  • Trọng lượng: 10,5kg

Silverette 200

  • Độ nhạy: 88dB
  • Trở kháng: 8 ohm
  • Dải tần: 60-20.000Hz
  • Tần số cắt: 1.850Hz
  • Công suất ampli: 30-100W
  • Kích thước (caoxrộngxsâu): 37x18x30cm
  • Trọng lượng: 8kg

Khải Anh – Nghe Nhìn Việt Nam

Nguồn: HFVN // http://www.hifivietnam.vn/vi/thu-vien-review/chario-constekkation-delphinus-tram-hung-manh-me/

Leave a Reply