AVM Evolution SD 5.2 – Đa năng hiếm có

HFVN – Evolution SD Series, dòng sản phẩm mới nhất được AVM Audio phát triển với hai model SD 3.2 và SD 5.2, là phân nhóm thiết bị hoàn toàn mới kết hợp chức năng chính là preamp cùng một loạt tính năng mở rộng: DAC hỗ trợ DSD, Streaming, web radio, headphone amp.

Thiết kế và cấu tạo

Thói quen nghe nhạc từ các nguồn phát nhạc số, hay streaming qua mạng internet đang ngày càng được nhiều audiophile trên thế giới đón nhận và xem như một nguồn âm hi-end chính thống. Tiếp cận với nguồn âm số giúp người nghe không chỉ mở rộng được thư viện nhạc mà còn giảm bớt gánh nặng trong việc quản lý, sắp xếp các kho lưu trữ audio của mình. Giờ đây, việc chọn một bài hát yêu thích bất chợt, trong số hàng chục nghìn track từ thư viện nhạc, chỉ mất vài giây với chỉ vài cú chạm nhẹ trên màn hình smartphone hoặc tablet.

Tại thị trường Mỹ hay Châu Âu, các giải pháp quen thuộc như NAS (ổ cứng chia sẻ dữ liệu qua mạng) đang trở nên rất phổ biến ở nhiều hộ gia đình, do đó các media server dành cho audiophiles cũng được phát triển nhanh và rất thuận lợi dựa trên nền tảng này. Tại Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực, NAS vẫn còn khá lạ lẫm đặc biệt là đối với các audiophiles. Khi tìm hiểu về media server sử dụng kết hợp với ổ cứng NAS, hầu hết những người chơi âm thanh đều ít nhiều gặp một số trở ngại, điều này dẫn đến những e dè trong quết định sử dụng. Một số người ngại khó trong việc set-up, phải kết nối mạng, phải có máy tính, thiết lập cấu hình phần mềm, số khác còn hoài nghi về chất lượng âm thanh tái tạo.

Chúng tôi đã tự đặt câu hỏi vì sao những hãng sản xuất audio lại không thiết kế những bị nguồn âm lossless đơn giản, không cần set-up mà cắm vào là sử dụng ngay giống như một số đầu phát HD đang bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc tối ưu cả ba yếu tố: giá thành, mức tiện dụng và chất lượng âm thanh là vấn đề mà mỗi nhà sản xuất audio đều gặp phải, với các mức độ khác nhau. Trong số những media server tích hợp tính năng streaming có mặt trên thị trường, AVM Evolution SD 5.2 được chúng tôi đánh giá rất cao về mặt trình diễn âm thanh và gần như chỉ việc cắm và chạy mà không cần phải qua các bước set-up nhiêu khê.

AVM Audio, thành lập bởi Udo Besser (cựu CEO của Burmester Audio), tiến hành các hoạt động thiết kế, chế tạo sản phẩm hoàn toàn tại Đức. Dù mới tiếp cận thị trường Việt Nam không lâu, nhãn hiệu này đã được đón nhận khá nồng nhiệt qua các sản phẩm như ampli Evolution 5.2T, CD 5.2, Inspiration CS 2.2.

avm_4_ccvx

Dòng Evolutino SD gồm 2 model 3.2 và SD 5.2. Thông số kỹ thuật của 2 thiết bị này khá giống nhau, đều sử dụng 2 chip giải mã Burr Brown theo cơ chế giải mã cân bằng cho chất lượng âm có độ méo thấp, cả 2 đều có thể xử lý các chuẩn âm thanh phân giải cao phổ biến hiện nay lên đến 192/24-bit và hỗ trợ định dạng DSD 64. Preamp được tích hợp bên trong để có thể ghép trực tiếp với poweramp. Việc các đầu phát cũng như media server thế hệ mới được trang bị mạch preamp khá phổ biến, nhưng chúng tôi chưa thấy thiết bị tích hợp nào có phần preamp được đầu tư kỹ lưỡng như AVM Evolution SD.

Hầu hết các hãng thường dùng preamp có thiết kế xuất âm opamp rẻ tiền nhưng với AVM Audio thì hoàn toàn khác, cấu trúc này được đầu tư kỹ lưỡng, hỗ trợ nhiều đường input để tiếp nhận các nguồn phát khác như CD, Tuner và cả phono. Riêng model SD 5.2 được tích hợp luôn mạch khuếch đại preamp từ thiết kế đầu bảng của hãng Ovation PA 8, với tầng ra sử dụng 2 bóng ECC83(12AX7) được AVM đặt hãng JJ (Công hòa Séc) thiết kế riêng với tên mới là AVM 83T. Trong khi đó, SD 3.2 được rút gọn hơn với phần preamp thiết kế theo mạch bán dẫn. Ngoài ra, media server Evolution SD còn được tích hợp mạch Class A cho ngõ headphone, giúp người dùng có thể sử dụng tương thích với các tai nghe cao cấp mà không cần trang bị thêm headamp. Với kỳ vọng kết hợp một máy chủ phát nhạc, DAC, headphone amp, preamp cao cấp thành một trung tâm kỹ thuật số với khả năng đáp ứng đa dạng các nguồn nhạc và nhu cầu nghe khác nhau với chất lượng âm thanh cao, AVM đang tạo ra một chuẩn mực mới hoàn toàn so với các hãng audio trên thị trường.

Sau một tuần chờ đợi, sản phẩm AVM Revolution SD 5.2 “nguyên đai nguyên kiện” cũng đã được gửi đến phòng nghe của chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên về phần đóng gói là rất tốt, thùng máy được làm cẩn thận và tinh tế, đi kèm còn có găng tay và vải bọc “rất hi-end”. Phần vỏ máy được gia công phay xước và bo góc cạnh kỹ càng, mặt trước máy gồm màn hình hiển thị LED lớn và sáng rõ, hai núm vặn kích thước lớn. Điểm nhấn thiết kế của SD 5.2 nằm trên lưng máy, một đường rãnh xuyên thấu che bằng tấm acrylic trong suốt khoe nội thất với linh kiện dày đặc và cặp đèn AVM 83T một cách khéo léo. Remote RC9 có ngoại hình như một thiết bị hi-tech tích hợp màn hình màu hiển thị , kèm theo là một cốc sạc dành cho remote. Tôi rất thích thú với tay điều khiển từ xa của AVM, đặc biệt khi sử dụng nó để thiết lập hệ thống.

Nhanh chóng kết nối Evolution SD 5.2 vào hệ thống kèm theo một USB đã được chọn nhạc từ trước đó. Phần remote RC9 sau khi chọn AVM ngay lập tức kết nối với máy chủ nghe nhạc và đồng bộ thông tin từ máy chủ vào màn hình mà không cần bước hỗ trợ trung gian nào. Điều này thật tuyệt, ngay các máy chủ cao cấp hiện nay như Lumin đều cần phải thiết lập kết nối với router và phải sử dụng PC hoặc máy tính bảng để set-up. Đây là một lợi thế rất lớn trong cách tiếp cận với người dùng, một phong cách “plug and play” hiệu quả.

Tôi tiếp tục truy cập vào thư mục USB để phát nhạc, thông tin và bìa đĩa được cập nhật ngay trên remote, mặc dù có phần mềm giúp điều khiển SD 5.2 bằng iPad nhưng thực tế chỉ với RC9 chúng tôi đã có thể điều chỉnh và thiết lập hầu như mọi chức năng. Quay lại màn hình hiển thị trên SD 5.2, thông tin rõ ràng, có 2 chế độ lọc âm thanh là “Sharp” và “Smooth”, mỗi filter sẽ cho âm thanh khác nhau, chúng tôi thường sử dụng chế độ smooth để nghe các track thể hiện giọng hát, nhạc cụ chậm rãi và sử dụng sharp để thể hiện những bản giao hưởng có độ chi tiết cao và đòi hỏi tốc độ.

Trải nghiệm

Một điều cần lưu ý với các sản phẩm của AVM Audio khi mới khui thùng đó là cần phải có thời gian chạy rà khá lâu (khoảng 100-200 giờ) để đạt chất lượng âm thanh tối ưu. Khoảng cách trình diễn giữa lúc trước và sau khi burn-in là khá lớn. Sau khi cho chạy rà liên tục, tôi bắt đầu kết nối SD 5.2 vào hệ thống điện Nordost kết hợp biến thế cách ly của Torus Power, Perreaux Prisma 350, loa Audio Physic Tempo 25 plus+ và sử dụng toàn bộ dây dẫn hiệu Supra Cables.

Chúng tôi kết nối ổ cứng rời cắm trực tiếp vào SD 5.2 và bắt đầu trải nghiệm đầu tiên. Anna Bisson là nghệ sĩ nhạc jazz ưa thích của tôi, thể hiện của ca sĩ này không quá cầu kỳ phức tạp nhưng cách trình diễn chất jazz rất tự nhiên, đầy năng lượng, đặc biệt các bản thu âm đạt chất lượng rất cao, kể cả vocal và nhạc cụ acoustic. “Everybody’s Kissing in Paris” trong album Tales from the Treetops là một bản nhạc kết hợp contra bass, piano, bộ trống, cùng giọng hát đơn giản mộc mạc của Anne Bisson trên một nhịp điệu khoan thai chậm rãi, không đòi hỏi tốc độ quá cao, nhưng cần một nền âm tĩnh lặng và truyền cảm cho giọng hát.

avm_2_vrqi

Ngay nốt nhạc đầu tiên là tiếng contra bass với độ đầy khiến nhiều nguồn phát có dải âm không đầy đủ sẽ lộ ra sự thiếu hụt, chỉ thấy tiếng dây chứ không cảm nhận được hiệu ứng cộng hưởng ngân vang đầy đủ của thùng đàn acoustic. Nhưng với AVM SD 5.2 thì dường như chuyện đầy và đủ không thành vấn đề. Không những thế, tôi cảm nhận được sắc thái cung bậc lên xuống của từng nốt nhạc, kèm theo là độ dầy vừa đủ, không bị làm quá khiến người nghe có cảm giác bị lấn át. Đây chính là thế mạnh rất rõ từ sự kết hợp giữa bộ giải mã và xử lý tín hiệu số kiểu cân bằng kép và mạch đèn điện tử. Âm thanh có được dải rộng, độ chi tiết cao nhưng vẫn đạt độ êm của cùng một sân khấu 3D của đèn. Giọng hát Anne Bisson cất lên mượt mà với độ chi tiết cao nhưng không chói gắt, đây là trải nghiệm thường thấy với những thiết bị giải mã cao cấp tầm trên 10.000USD.

Chất âm, đặc biệt là độ chi tiết, độ động của AVM SD 5.2 khiến tôi liên tưởng đến Lumin S1 Media Server mới nghe dịp gần đây. Tuy nhiên, có thể nói, mạch preamp đèn đã giúp AVM SD 5.2 vượt mặt Lumin S1 về khoản xử lý dải cao và âm hình. Cụ thể với track thử trên, tiếng chổi quét cymbal được SD 5.2 thể hiện rất tơi nhuyễn, nhẹ và bóc tách ra khỏi dàn nhạc. Riêng sân khấu trình diễn SD 5.2 cũng có sự vượt trội về độ sâu cũng như chia lớp tốt hơn.

Khi thử nghiệm đối với Evolution SD 5.2 chúng tôi đã rất khó khăn để phân biệt giữa một bản thu phát từ NAS và ổ cứng rời. So với các media server có cùng hoặc gấp vài lần tầm giá, chất lượng truyền dẫn từ ổng cứng NAS của AVM SD 5.2 được chúng tôi đánh giá rất cao, nó vẫn giữ được màu và đặc tính âm thanh so với việc phát trực tiếp từ ổng cứng. Có chăng khi kết nối NAS, âm thanh hơi tươi hơn một chút nhưng cũng phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần mới nhận ra điều đó.

Để khai thác nguồn nhạc chất lượng cao DSD, người dùng cần kết nối AVM Audio SD 5.2 từ ổ cứng NAS hoặc sử dụng kết nối USB B Class 2. Khi đó máy sẽ đóng vai trò là một DAC thông qua nguồn phát máy tính, đối với PC chạy Windows cần phải cài đặt thêm driver. Với nguồn âm DSD 64, AVM Audio SD 5.2 càng phát huy khả năng tái tạo âm thanh với ưu điểm vượt trội về độ mượt dải cao, đặc tính tự nhiên và âm hình chia lớp.

Để đánh giá chất lượng preamp của SD 5.2 chúng tôi chọn một vài preamp tầm giá từ 3.000USD, kể cả bán dẫn lẫn đèn, cùng nghe với track thử “Morning Bird” trong album Solder of Love của Sade Adu. Cô là một nữ ca sĩ người Anh với chất giọng trầm ấm và truyền cảm với cách hát buông lơi, ít cao trào, không quá gãy góc nhưng đầy chất nghệ thuật, điêu luyện trong xử lý lời ca, tạo nên sự lắng đọng đầy tự sự. Chính sự đều đặn và không cao trào là một bài toán khó, không chỉ trong kỹ thuật biểu diễn mà đối với các hệ thống tái tạo âm thanh cũng vậy. Theo nhận định chủ quan ban đầu của chúng tôi, việc SD 5.2 cắm trực tiếp vào poweramp mà vẫn giữ được nguyên chất âm và không bị hụt tiếng là một thành công rất lớn đối với AVM. Kết nối trực tiếp với poweramp, AVM SD 5.2 tỏ ra dầy dặn, nền âm vững và nhất là tạo được vocal dầy và đậm. Khi ghép với preamp Classe CP-500, hệ thống có sự cải thiện tốt ở phần trầm, âm thanh dày, độ động tốt, tuy nhiên âm hình và sự uyển chuyển vẫn chưa thể so với mạch preamp chạy đèn tích hợp của AVM SD 5.2.

Sau một khoảng thời gian khá dài trải nghiệm với nhiều music server và preamp khác nhau, đã có thể kết luận AVM SD 5.2 quả thực là một món hời. Người dùng sẽ không phải chi phí vào máy tính, dây dẫn, và hoàn toàn có thể lượt bớt khoản đầu tư preamp mà vẫn có thể tận hưởng một giá trị trình diễn vượt tầm giá.

avm_ogpu

Thông số kỹ thuật:

  • Ngõ vào Analog: RCA X 2 (phono input)
  • Ngõ vào Digital: SPDIF (x2), Optical (x2), AES/EBU (x2), USB (X2)
  • Analog Output: RCA / XLR
  • Tương thích định dạng digital: MP3 , WMA, AAC, OGG Vorbis, FLAC (192/32 via LAN), WAV (192/32 via LAN), AIFF (192/32 via LAN), ALAC (96/24 via LAN)
  • D/A: PCM 192kHz/24-bit
  • DSD: DSD 64 (2,8Mhz)
  • Headphone amp: Class A
  • Media Server: UPnP 1.1, UPnP-AV, DLNA (hỗ trợ NAS), Windows Media Connect Server (WMDRM 10)
  • Đèn điện tử: AVM 83T x 2
  • Kích thước: 430 x 130 x 370mm
  • Trọng lượng: 10Kg
  • Giá tham khảo: 148.000.000 VNĐ

Linh Nguyễn – Nghe Nhìn Việt Nam

Nguồn tham khảo: HFVN – http://www.hifivietnam.vn/vi/thu-vien-review/avm-evolution-sd-5-2-da-nang-hiem-co/

Leave a Reply